Caesi

Caesi (hay còn gọi là Xê-si, tiếng Anh: cesium, tiếng Latinh: "caesius") là một nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn có ký hiệu Cs và số nguyên tử bằng 55. Nó là một kim loại kiềm mềm, màu bạc, và với điểm nóng chảy là 28 °C (83 °F) khiến cho nó trở thành một trong các kim loại ở dạng lỏng tại hay gần nhiệt độ phòng. Caesi là một kim loại kiềm, có tính chất vật lý và hóa học giống với rubidi, kali; là kim loại hoạt động mạnh, có khả năng tự cháy, phản ứng với nước thậm chí ở nhiệt độ −116 °C (−177 °F). Nó là nguyên tố có độ âm điện thấp thứ hai sau franci, và chỉ có một đồng vị bền là caesi-133. Caesi được khai thác trong mỏ chủ yếu từ khoáng chất pollucit, trong khi các đồng vị phóng xạ khác, đặc biệt là caesi-137 - một sản phẩm phân hạch hạt nhân, được tách ra từ chất thải của các lò phản ứng hạt nhân. Nhà hóa học người Đức Robert Bunsen và nhà vật lý học Gustav Kirchhoff đã phát hiện ra caesi năm 1860 bằng một phương pháp mới được phát triển là "quang phổ phát xạ nung bằng ngọn lửa". Các ứng dụng quy mô nhỏ đầu tiên của caesi là "chất bắt giữ" trong ống chân không và trong tế bào quang điện. Năm 1967, dựa trên nguyên lý của Einstein về sự không đổi của tốc độ ánh sáng trong vũ trụ, Ủy ban Quốc tế về Cân đo đã tách biệt hệ đếm 2 sóng riêng biệt từ quang phổ phát xạ của caesi-133 để đồng định nghĩa giây và mét trong hệ SI. Từ đó caesi được ứng dụng rộng rãi trong các đồng hồ nguyên tử độ chính xác cao. Từ thập niên 1990, ứng dụng của nguyên tố này trên quy mô lớn nhất là caesi format trong dung dịch khoan. Nó có nhiều ứng dụng trong kỹ thuật điện, điện tử, và hóa học. Đồng vị phóng xạ caesi-137 có chu kỳ bán rã khoảng 30 năm và được sử dụng trong y học, thiết bị đo công nghiệp và thủy văn. Mặc dù nguyên tố chỉ có độ độc tính trung bình, nó là vật liệu nguy hại ở dạng kim loại và các đồng vị phóng xạ của nó ảnh hưởng đến sức khỏe cao nếu được phóng thích ra môi trường.


Developed by StudentB